Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Ngày 14/4/1975: Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng đảo Song Tử Tây Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cách đây tròn 50 năm, ngày 14/4/1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch Bức điện lịch sử với nội dung: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Một sự kiện nữa quan trọng cũng diễn ra vào ngày 14/4/1975 là ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Sự kiện giải phóng đảo Song Tử Tây đã làm cho hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng.
Tên gọi “Chiến dịch Hồ Chí Minh” tạo nên sức mạnh mới trong toàn dân và toàn quân.
Sau khi thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định có nhiều ý kiến đề nghị nên lấy tên Bác đặt tên cho chiến dịch tiến công vào Sài Gòn.
Bộ chỉ huy Chiến dịch thấy ý kiến này rất hợp với tình cảm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta đối với Bác nên đã nhất trí điện ra Hà Nội xin ý kiến Bộ Chính trị cho đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn-Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch có nội dung: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Tin chiến dịch được mang tên Người đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch. Cũng trong ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố.
Sau khi thông qua lần cuối kế hoạch chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm: Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn.
Giải phóng đảo Song Tử Tây Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khi các cánh quân tập trung đồng loạt tiến về giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị cũng đã chủ trương giải phóng toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa nhằm giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 4 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, quân ta nổ súng giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, lá cờ Tổ quốc được treo ngay lên cột cờ ở phía đông đảo. Kết quả, ta diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu hai đại liên, một ÐKZ, hai cối 60, hai trung liên và một số súng bộ binh các loại. Giải phóng được đảo Song Tử Tây đã làm cho hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng.
Trước những thắng lợi liên tiếp của ta trên bộ và trên biển, Bộ Tư lệnh tiền phương thống nhất phương án đánh chiếm các đảo còn lại với Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, các lực lượng của ta giải phóng đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975 ta giải phóng đảo Nam Yết; 10 giờ 30 phút ngày 28/4/1975 giải phóng đảo Sinh Tồn; và đến 9 giờ ngày 29/4/1975 giải phóng đảo Trường Sa; đồng thời cũng kết thúc một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược do Quân uỷ Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân.
Đúng một ngày sau khi các đảo trên quần đảo Trường Sa được giải phóng, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi. Đất nước liền một dải từ Bắc đến Nam.
* Năm 2025, Đất nước ta long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây là một dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, những người đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng, mà còn là thời điểm để chúng ta khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Đây cũng là dịp mọi công dân thị trấn Ít Ong thể hiện tình yêu quê hương đất nước, và tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với những những người đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trên tinh thần đó Ủy ban nhân dân thị trấn Ít Ong đề nghị tất cả các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có những hành động, việc làm thiết thực, mỗi hộ dân cần thực hiện nghiêm túc việc treo Cờ Tổ quốc, thay thế các cờ bạc màu và biển hiệu quảng cáo hết thời hạn, cũ, rách, mất mỹ quan quan đô thị, để tạo một không khí vui tươi, phấn khởi, tự hào mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Thời gian thực hiện, từ ngày 25/4 đến hết ngày 05/5/2025.
Đề nghị các đồng chí Trưởng bản, tiểu khu, các đoàn thể thông báo, tuyên truyền, động viên, đôn đốc, nhắc nhở từng hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc treo Cờ Tổ quốc và thay thế Cờ tổ quốc đã cũ, bạc màu bằng cờ mới.
Tải về