Tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn thị trấn Ít Ong
Lượt xem: 6
Hiện nay, ngộ độc thực phẩm là vần đề hết sức phức tạp và đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của con người. An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người, và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, phát triển giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống, và là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
anh tin bai

 

         Ngộ độc thực phẩm, và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra, không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khỏe.

         Các nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm gồm.

         Do quá trình chăn nuôi, gieo trồng, sản xuất thực phẩm, lương thực. Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, các loại kháng sinh, thuốc bảo quản không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh.

         Do quá trình chế biến không đúng. Quá trình giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, quá trình thu hái lương thực, rau, củ, quả, thực phẩm chế biến không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh. Dùng chất phụ gia không đúng quy định của Bộ Y tế để chế biến thực phẩm. Dùng chung dao thớt hoặc để thực phẩm sống với thực phẩm chín. Người chế biến thực phẩm đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc dụng cụ ăn uống nhiễm bẩn. Rửa thực phẩm, dụng cụ ăn uống bằng nước nhiễm bẩn. Nấu thực phẩm chưa chín hoặc không đun lại trước khi ăn.

         Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật. Mỗi người chúng ta ai cũng đều nhận thấy tầm quan trọng của việc ǎn uống, đó là nhu cầu hàng ngày không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh, sức khỏe con người sẽ bị đe dọa. Do đó, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình, và cộng đồng, mọi người dân cần tuân thủ 5 chìa khóa vàng, và 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

         Việc tuân thủ 5 chìa khóa vàng vệ sinh an toàn thực phẩm gồm.

         1. Giữ vệ sinh sạch sẽ.

         2. Bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín.

         3. Nấu kỹ thức ăn.

         4. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn phù hợp.

         5. Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống.

          Việc tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm gồm.

         1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn

         2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C.

         3. Ăn ngay sau khi nấu.  Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ  bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.

         4.  Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

         5. Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn bị ôi thiu, nấm mốc, hết hạn, không ăn thức ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

         6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn, do đó cần để riêng thức ăn chín và thức ăn sống.

         7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn. Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.

         8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

         9. Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn để tránh côn trùng, ruồi, gián, và động vật như chuột và các động vật khác.

         10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

         Khi phát hiện, hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, có các triệu chứng như, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, đau đầu, chóng mặt, sốt, mọi người cần phải dừng ngay việc sử dụng, và niêm giữ toàn bộ thức ǎn đó lại, kể cả chất nôn, phân, nước tiểu, để xác minh và báo cáo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để xử trí kịp thời và đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.

         Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn thị trấn. Ủy ban nhân dân thị trấn giao.

         1. Trạm Y tế thị trấn

         - Tham mưu xây dựng Kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2025. Chủ động lồng ghép công tác giám sát dịch bệnh và công tác giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

         - Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, khuyến cáo, cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố nâng cao kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; hướng dẫn nhân dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, trong đó nhấn mạnh nội dung “05 chìa khóa để có thực phẩm an toàn” theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩmbệnh truyền qua thực phẩm cho nhân dân.

         - Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc; phổ biến, hướng dẫn phác đồ xử trí ngộ độc một số loại nấm độc thường gặp tại địa phương cho nhân dân biết và xử trí khi có trường hợp ngộ độc nấm xảy ra.

         - Tham mưu cho Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm thị trấn tổ chức kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, khu vực chợ trung tâm; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người... theo phân công, phân cấp trên địa bàn quản lý.

         - Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo UBND thị trấn và Trung tâm Y tế huyện khi có các ca ngộ độc xảy ra. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

         2. Các đơn vị trường học

         - Phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền đến người dân, phụ huynh, học sinh phòng ngừa ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên như nấm độc, cóc, bọ xít, nhộng ve sầu, các loại sinh vật lạ, các loại cây, quả lạ, rượu có chứa methanol...

         - Phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không mua các thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng được bày bán tại các cửa hàng, tạp hóa, nhất là các quán hàng rong bày bán tại cổng trường.

         - Đối với các đơn vị trường có bếp ăn bán trú cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tại khu vực bếp nấu ăn, các vật dụng, thiết bị nấu ăn; lựa chọn hợp đồng nhà cung cấp thực phẩm đáp ứng khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

         3. Công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp

         - Tham mưu cho UBND thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các cơ sở kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, cơ sở chế biến thực phẩm thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn; lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.

         - Phối hợp với các cấp, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Kiên quyết không để các cơ sở kinh doanh đưa các sản không đảm bảo an toàn ra thị trường.

         - Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện truy xuất đến cùng nguồn gốc các sản phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

         4. Ban quản lý chợ

         - Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đến nhân dân và các tiểu thương tham gia buôn bán, chế biến thực phẩm tại khu vực chợ. Hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

         - Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đối với các hộ kinh doanh, tiểu thương buôn bán tại khu vực chợ tuyệt đối không mua bán, trao đổi sản phẩm rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản đã ôi, ươn, thiu, kém chất lượng để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

         5. Công chức Văn hóa - Xã hội

         - Tham mưu cho UBND thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về y tế, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

         - Triển khai các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng các thực phẩm đảm bảo an toàn; không buôn bán, sử dụng các thực phẩm đã ôi, ươn, thiu, kém chất lượng nhằm tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

         - Phối hợp với Trạm Y tế và các cơ quan chức năng nắm bắt, cập nhật và công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên phương tiện truyền thông để cảnh báo kịp thời cho người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng. Thông tin biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

         6. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể thị trấn

           - Tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức phòng ngừa ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên như: nấm độc, cóc, bọ xít, nhộng ve sầu, các loại sinh vật lạ, các loại cây, quả lạ, rượu có chứa methanol...; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; không ăn lương thực, thực phẩm sống, đã ôi, thiu; khuyến cáo để riêng thực phẩm tươi sống thực phẩm chín.

         - Triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe nhân dân.

         7. Trưởng các bản, tiểu khu

          - Triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng ngừa ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên như: nấm độc, cóc, bọ xít, nhộng ve sầu, các loại sinh vật lạ, các loại cây, quả lạ, rượu có chứa methanol...; nhắc nhở nhân dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; không ăn lương, thực thực phẩm sống, đã ôi thiu; khuyến cáo để riêng thực phẩm tươi sống thực phẩm chín.

         - Vận động, tuyên truyền, đề xuất biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.

         - Thường xuyên giám sát, nắm bắt tình hình trên địa bàn. Kịp thời thông tin, báo cáo về UBND thị trấn khi phát hiện các cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn hoặc khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn./.

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1